Khi nói đến phòng trẻ em, tức là một không gian riêng dành cho trẻ nhỏ, có sự độc lập, tự chủ, riêng tư nhất định của chủ nhân không gian, phần nào thoát ly khỏi sự trông nom, quan tâm liên tục của người lớn. Nhưng trẻ em vẫn không thể hoàn toàn chủ động ứng xử trước những tình huống bất ngờ, do yếu tố thể chất, kinh nghiệm cuộc sống… nên việc thiết kế tạo nên một sự thuận tiện và an toàn tối đa cho trẻ là điều rất cần thiết. Cấu trúc mặt bằng, giao thông trong phòng phải rõ ràng, mạch lạc, tránh tạo ra những vị trí, góc bất tiện hay nguy hiểm như chênh cốt sàn, các góc nhọn của tường, đồ nội thất gây nguy hiểm. Vị trí điều khiển các thiết bị (điện, thông tin) phải thuận tiện; bản thân thiết bị điện và hệ thống dây dẫn phải tuyệt đối an toàn; nhất thiết phải sử dụng các thiết bị an toàn điện như át chống giật, rơ le tự động để cắt nguồn khi xảy ra hiện tượng đoản mạch. Không nên lắp đặt các thiết bị điện, nước (nếu có phòng vệ sinh trong phòng ngủ), thiết bị điện lạnh, điện tử có cơ chế vận hành phức tạp không phù hợp độ tuổi. Đối với các vị trí dễ gây nguy hiểm khác trong phòng, hoặc liên quan đến phòng như ban công, giếng trời phải thiết kế hệ thống lan can, cửa, hoa sắt đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Ngoài ra người lớn phải có sự quản lý về việc vận hành như khóa cửa ra ban công để trẻ không tự ý ra được nếu chưa có ý thức và khả năng kiểm soát. Trẻ em rất hiếu động nên việc cẩn thận không bao giờ là thừa.
An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu ở phòng trẻ em
Với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nhu cầu chơi và đồ chơi là rất lớn. Bé cần nhiều chỗ để đồ chơi
Cách xử lý khá mạch lạc và gọn gàng cho phòng trẻ có diện tích khiêm tốn ở một căn hộ chung cư: Giường đẩy sát vào trong tạo khoảng rộng ở giữa cho trẻ vui chơi. Hai bên tường 1 bên là bàn học, bên kia là kệ tủ đồ chơi
An toàn thoát hiểm cũng là một yếu tố quan trọng. Khi có sự cố xảy ra, trẻ em thường sợ hãi không thể xử lý tình huống trực tiếp mà phản xạ theo bản năng là chạy hoặc kêu cứu. Thiết kế phải đảm bảo được yêu cầu dễ thoát hiểm khi có sự cố, như chốt khóa cửa vận hành đơn giản, dễ đóng mở (nếu dùng khóa có chìa thì phải luôn để một bộ ở ngoài do người lớn quản lý). Đối với trẻ em ở tuổi nhỏ (dưới 10 tuổi), mức độ riêng tư không cao, nên cửa phòng có thể làm cửa có ô kính trong để dễ quan sát từ bên ngoài và nếu có sự cố có thể phá vỡ kính để mở chốt khóa bên trong.
Cùng là trẻ em, nhưng đến độ tuổi nhất định (3-5 tuổi) các bé đã có những nhận thức về giới tính và hình thành các sở thích cá tính xuất phát từ giới tính. Bé trai thích chơi trò con trai và các đồ chơi con trai như đá bóng, ô tô… còn bé gái thích búp bê, thích chơi đồ hàng… Bé trai thiên về những mảng khối khỏe khoắn, bé gái lại thích những đường cong mềm mại. Hầu hết các bé gái thích màu hồng, màu tím; còn bé trai thường thích các màu xanh. Lớn lên chút nữa, trong quá trình học tập và giao tiếp, các bé bắt đầu hình thành nên tính cách khác nhau và có sở thích khác nhau. Những tính cách và sở thích này có thể hình thành và phát triển tự nhiên, cũng có thể chịu ảnh hưởng hay do người lớn trong gia đình định hướng. Có bé thích các trò vận động – thể thao; có bé thích múa hát; có bé thích vẽ, có bé thích đọc sách; có bé thích chơi trò chơi điện tử… Cần nắm được những nhu cầu và sở thích chính đáng, lành mạnh của trẻ để thiết kế, tạo ra những không gian phù hợp về công năng và thẩm mỹ, để chủ nhân của không gian cảm thấy thoải mái, thích thú, phát triển tích cực và lành mạnh. Nói chung, phòng của trẻ em luôn được các nhà thiết kế làm cho sinh động, vui nhộn, nhiều màu sắc; nhưng nếu quan tâm kỹ hơn thì không gian đó sẽ có ý nghĩa nhiều hơn; có tác động tốt hơn tới tâm sinh lý của bé. Nội thất phòng trẻ em , ngoài những “phần cứng” do thiết kế xây dựng tạo nên như tường, trần, sàn, chiếu sáng, hệ thống đồ nội thất… thì luôn phải tạo những nơi cho bé vui chơi và sáng tạo, tự trang trí cho căn phòng của mình. Đó là những nơi treo tranh, ảnh; dán những hình mà bé yêu thích; nơi bé sắp xếp đồ chơi, trưng bày những món quà, những sản phẩm thủ công tự làm… Phần này của bé luôn thay đổi… Mỗi bé có giới tính riêng; có sở thích, cá tính khác nhau sẽ có cách làm khác nhau để tự thỏa mãn và thể hiện mình. Người thiết kế cần tránh tối đa việc cố định, ấn định một không gian nội thất bất biến theo thời gian trong phòng trẻ em!
Màu hồng là màu ưa thích của nhiều bé gái
Phòng ngủ bé trai với những đường thẳng, ô mảng đơn giản, khỏe khoắn
Giống mà khác nhau (chi tiết đầu giường), để tạo nên sự phân biệt, cũng là giúp trẻ khẳng định “cái tôi” của riêng mình
Trẻ em nào rồi cũng lớn. Đúng vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là thiết kế luôn… như phòng người lớn chờ cho bé lớn. Phòng trẻ em vẫn nên được chăm chút, thiết kế phù hợp. Và thực tế là như vậy. Hiện nay, nhiều gia đình đầu tư nhiều cả công sức và tiền bạc cho không gian đặc biệt này. Nhưng cần lưu ý rằng không phải cứ “nghịch nghịch”, vui vui, nhiều màu thì là phòng trẻ em. Ngoài những nguyên tắc như trên đã nói, thì phòng trẻ phải phù hợp độ tuổi của chủ nhân căn phòng. Bởi mỗi lứa tuổi trẻ có tâm sinh lý khác nhau, có nhu cầu sinh hoạt, học tập và vui chơi khác nhau. Ví dụ như trẻ dưới 6 tuổi, thì nhu cầu chơi là chính (có nhiều đồ chơi, cần nơi để đồ chơi), trẻ đi học lớp 1 là bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới (khi đó sẽ cần tới bàn học, giá sách). Từ 10 tuổi trở đi, trẻ có ý thức và bắt đầu tự thấy cần thiết sự riêng tư, có thể có những “bí mật” nho nhỏ trong thế giới của mình. Thời gian và cách thức học tập, sinh hoạt, mối quan hệ, tình cảm của trẻ sẽ thay đổi theo độ tuổi. Người thiết kế cần nắm rõ điều này để đưa ra giải pháp phù hợp nhất. Cần lưu ý là thiết kế nên “đi sớm” đón trước tuổi của trẻ một chút; để không gian này có giá trị phù hợp lâu dài.
Khi còn nhỏ, bé thích những thứ đồ ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc. Không gian của bé nhiều đồ chơi và là sự tưởng tượng phong phú.
Tới một độ tuổi nào đó, có thể trong phòng bé có rất ít , hoặc không còn đồ chơi. Bàn học không thể thiếu.
Và sẽ tới tuổi trẻ có nhu cầu một căn phòng đầy đủ tiện nghi như phòng người lớn thế này. Tuy vậy vẫn có thể thấy sự đáng yêu nho nhỏ và khéo léo trong cách trang trí nội thất
Trẻ em là thành viên trong gia đình, và phòng của trẻ là một không gian nhỏ trong tổng thể ngôi nhà. Để phòng trẻ có tác dụng tốt, có ý nghĩa; người thiết kế cần đặt trong bối cảnh tổng thể, trong các mối quan hệ, giao hòa và đan xen nhiều yếu tố: kiến trúc, nội thất, kỹ thuật, gia đình, xã hội… để đưa ra giải pháp phù hợp. Người thiết kế (cùng gia chủ) cũng nên tính toán và dự trù cho tương lai (có thể tới 5-10 năm) về việc sử dụng hay hoán đổi, luân chuyển các không gian; cải tạo nội thất khi có nhu cầu mới, và khi trẻ đã dần trở thành người lớn.
LifeSpace Viet Nam